Đẩy mạnh số hóa trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới
Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) để vừa quản lý chặt chẽ, vừa tạo thuận lợi cho lưu thông biên giới, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển là khâu đột phá của lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP). Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Hữu Chiến, Phó tham mưu trưởng BĐBP trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về công tác này.
Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến.
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, việc ứng dụng CNTT vào nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới được BĐBP triển khai ra sao?
Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến: Trong xu thế hội nhập quốc tế và đẩy mạnh việc thực hiện Chính phủ điện tử, gắn với CCTTHC, những năm qua, Bộ tư lệnh (BTL) BĐBP đã thành lập ban chỉ đạo, triển khai kế hoạch xây dựng Chính phủ điện tử trong BĐBP; xác định ứng dụng CNTT là nhiệm vụ quan trọng mang tính đột phá CCTTHC trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG). BTL BĐBP chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành chuyển đổi số, ứng dụng CNTT vào CCTTHC; từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác hiệu quả CNTT và các dịch vụ hành chính công, tiếp nhận thông tin trên môi trường mạng; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong xử lý công việc, tăng cường sử dụng biểu mẫu, chữ ký số, văn bản điện tử; xây dựng CSDL chuyên ngành, số hóa nguồn thông tin... Bên cạnh đó, BĐBP quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CNTT.
PV: Vậy, ứng dụng CNTT, CCTTHC của BĐBP đã đạt kết quả như thế nào, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến: Điểm đột phá trong chuyển đổi số, ứng dụng CNTT của BĐBP là thực hiện thủ tục “biên phòng điện tử” theo hình thức dịch vụ công mức độ 3 và 4 tại cửa khẩu, cảng biển; triển khai chữ ký số cho 37 cửa khẩu cảng biển, kết nối Cổng thông tin thủ tục biên phòng điện tử cảng biển với Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả Trung tâm Quản lý xuất nhập cảnh (XNC) tại BTL BĐBP, quản lý dữ liệu xuất, nhập toàn bộ hệ thống cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu cảng biển...
BĐBP đã xây dựng và khai thác hiệu quả Trung tâm Chỉ huy tác chiến nghiệp vụ biên phòng, kết nối liên thông, kết nối mạng truyền số liệu, qua đó nâng cao hiệu quả chỉ huy, chỉ đạo từ BTL đến các đơn vị; số hóa dữ liệu hệ thống mốc quốc giới, tình hình địa bàn, dữ liệu đo đạc và bản đồ số biên giới; vận hành hiệu quả hệ thống giao ban trực tuyến trong toàn lực lượng. Các cơ quan, đơn vị BĐBP chủ động truy cập các cổng thông tin điện tử... để thu thập dữ liệu phục vụ công tác đánh giá, dự báo và phát hiện từ sớm, từ xa âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng chống phá và các loại tội phạm; sử dụng nhiều trang thiết bị hiện đại để phát hiện vũ khí, ma túy, các loại hàng cấm... tại những vị trí khó tiếp cận mà các thiết bị khác không thể phát hiện được.
Đối với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, bên cạnh triển khai hơn 1.600 tổ chốt tuần tra, kiểm soát trên biên giới, BĐBP phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) khảo sát, lắp đặt hệ thống camera an ninh tích hợp trí tuệ nhân tạo AI View tại các đường mòn, lối mở, bãi bồi ven sông biên giới để phát hiện, ngăn chặn hoạt động XNC trái phép.
PV: Việc triển khai số hóa gắn với CCTTHC của BĐBP có gặp khó khăn gì, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến: Chúng tôi gặp nhiều khó khăn, như: Hạ tầng mạng, trang thiết bị CNTT ở một số đơn vị còn lạc hậu, không đồng bộ, thiếu kết nối mạng hoặc kết nối không thông suốt; không ít đồn biên phòng (ĐBP) và tổ chốt chưa được phủ sóng 3G, 4G, thậm chí chưa có điện lưới và sóng điện thoại. Nhiều cán bộ ở các ĐBP vùng sâu, vùng xa, hải đảo sử dụng trang thiết bị CNTT chưa thành thạo; công tác bảo dưỡng, sửa chữa trang bị CNTT gặp nhiều khó khăn do thời tiết và xa trung tâm; nguồn tài chính hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa trang bị...
Cùng với đó, việc triển khai ứng dụng CNTT của một số đơn vị thiếu gắn kết với CCTTHC và đổi mới lề lối, phương thức làm việc; chưa có quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin trong các cơ quan, đơn vị có liên quan; thiếu các quy định cụ thể về văn thư, lưu trữ điện tử, về giá trị pháp lý của văn bản điện tử và yêu cầu sử dụng các văn bản điện tử trong giao dịch hành chính; các chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển, ứng dụng CNTT chậm được triển khai...
PV: Thời gian tới, BĐBP tiếp tục triển khai ứng dụng CNTT ra sao?
Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến: Việc ứng dụng CNTT gắn với CCTTHC trong quản lý, bảo vệ BGQG là đòi hỏi cấp thiết với yêu cầu ngày càng cao. Do đó, BĐBP xác định tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản:
Một là, tiếp tục chủ động tham mưu ứng dụng CNTT vào thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, trước hết là đổi mới toàn diện các mặt công tác cửa khẩu, CCTTHC, tự động hóa công tác kiểm tra, kiểm soát XNC.
Hai là, đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số trong toàn lực lượng. Chú trọng hoàn thiện hệ thống CSDL, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu từ BTL đến đơn vị cơ sở và đồng bộ với dữ liệu quốc gia. Đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến; thực hiện số hóa, sử dụng văn bản điện tử thay văn bản giấy. Thúc đẩy thông minh hóa hoạt động quản lý, bảo vệ BGQG, hướng tới xây dựng “cửa khẩu thông minh”; tăng cường hệ thống hóa tác chiến điện tử, sa bàn ảo 3D, 4D; tích cực nghiên cứu, thử nghiệm các biện pháp quản lý biên giới hiện đại.
Ba là, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng mạng đồng bộ, thiết bị CNTT thiết thực phục vụ các mặt công tác. Triển khai kết nối điện lưới quốc gia, phủ sóng 3G, 4G tới tất cả các ĐBP. Đẩy mạnh hợp tác trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao ứng dụng CNTT. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng trong áp dụng những mô hình, phương thức quản lý cửa khẩu tự động hóa, số hóa, bảo đảm hài hòa, thống nhất, chặt chẽ, hiệu quả.
Bên cạnh đó, tiến hành rà soát, huy động, sắp xếp lại các nguồn lực tài chính và con người, ưu tiên cho mục tiêu hiện đại hóa CNTT, CCTTHC và chuyển đổi số. Thúc đẩy phát triển học liệu số phục vụ dạy-học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học; hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung trong toàn lực lượng. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về CNTT, an toàn thông tin cho đội ngũ cán bộ để tác nghiệp hiệu quả trên môi trường số...
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Việc BĐBP chủ động tham mưu, triển khai kiểm soát XNC bằng mã vạch tại 18 cửa khẩu Việt Nam-Trung Quốc và 7 cảng biển góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, rút ngắn thời gian kiểm soát, đăng ký từ 1 phút xuống 15-20 giây/người đối với cư dân biên giới, từ 2 đến 3 phút xuống 30 giây/người tại cảng biển. Việc sử dụng Cổng kiểm soát XNC tự động tại 17 cửa khẩu trọng điểm, tích hợp những công nghệ hiện đại, như: Nhận dạng sinh trắc học bằng vân tay và hình ảnh, tự động hóa quy trình thủ tục XNC, rút ngắn thời gian làm thủ tục từ 30 giây xuống 7-12 giây/người. |
Nguồn: ckt.gov.vn